Mục lục bài viết :
Ruồi đục trái hay còn gọi là dòi đục trái (Bactrocera dorsalis) thuộc họ ruồi trái cây (Trypetidae), bộ Hai cánh (Diptera). Đây là một trong những loài dịch hại rất quan trọng cho cây mận, chúng thường tấn công và gây hại khi trái mận vào giai đoạn sắp chín bằng cách ăn phá bên phần trong của trái làm cho ruột trái bị thối rữa và có thể bị rụng hàng loạt, nhất là vào mùa mưa, nếu trái nào không bị rụng thì cũng không thể sử dụng được vì bị hư thối. Ngoài ra nó còn là đối tượng kiểm dịch rất khắt khe của nhiều nước nhập khẩu rau quả tươi, do đó đây chính là một trong những trở ngại lớn cho việc xuất khẩu rau, quả tươi của nước ta trong những năm gần đây do mức độ gây hại của các loài ruồi đục trái khá lớn mà chúng ta lại chưa có các biện pháp phòng trị hữu hiệu. Ngoài cây mận loài ruồi này còn gây hại trái của nhiều loài cây trồng khác như ổi, xoài, táo, cam, quýt, vú sữa, thanh long…
Vòng đời của ruồi đục trái trải qua 4 giai đoạn, trưởng thành của loài này là một loại ruồi, cơ thể có màu nâu nhạt, mới nhìn thấy gần giống như con ong. Con cái đẻ trứng trên vỏ trái thành từng ổ từ 5-10 trứng bên dưới vỏ trái, do đó trong một trái có thể có nhiều con dòi tấn công ở bên trong. Một con ruồi cái có thể đẻ từ 150-200 trứng và sống được từ 20-40 hạt sau đó chuyển sang vàng sậm, kích thước cơ thể rất nhỏ, chỉ dài khoảng 6-7 mm. Sau khi nở con dòi đục ăn phần thịt trái xung quanh chổ ổ trứng, càng lớn chúng càng đục rộng và sâu vào bên trong ăn phá, làm cho trái bị hư thối, bị rụng và không thể ăn được. Nếu bị hại nặng trái sẽ bị rụng rất sớm gây thất thu rất lớn, thời gian gây hại của dòi từ 10-14 ngày. Khi đủ sức dòi đục vỏ trái chui ra ngoài, búng mình rơi xuống đất để làm nhộng, thời gian làm nhộng kéo dài khoảng 7-9 ngày sau đó sẽ vũ hóa trở thành ruồi. Ruồi đục trái thường gây hại nhiều trong mùa mưa, đôi khi trong mùa khô chúng cũng gây hại nhưng không nhiều lắm. Trên những giống mận có chất lượng ngon như mận Xanh Đường, mận An Phước, … thì có thể bị ruồi đục trái gây hại quanh năm.
Theo thói quen của nông dân, thì việc phòng trừ ruồi đục trái thường là phun thuốc trừ sâu, biện pháp này có ưu điểm là có thể diệt cả ruồi đực lẫn ruồi cái nhưng chi phí phòng trừ cao rất tốn kém và có nguy cơ gây độc cho người sử dụng vì khả năng lưu tồn thuốc bảo vệ thực vật trong trái là rất cao do khi trái mận sắp thu hoạch mới bị dòi gây hại nhiều, vì vỏ trái mận rất mỏng, thuốc dễ dàng ngấm vào bên trong gây độc cho người tiêu dùng. Vì vậy, biện pháp phun xịt thuốc hóa học trực tiếp lên cây hiện nay không được khuyến cáo.
Do đó, để quản lý tốt đối tượng ruồi đục trái, hạn chế tác hại của dòi, bà con nông dân nên áp dụng một số biện pháp sau đây:
– Nên thu gom hết trái rơi rụng trong vườn đem chôn sâu dưới đất có rải thêm vôi bột để tiêu diệt hết trứng và dòi non còn nằm bên trong nhằm tránh lây lan.
– Thu hái trái sớm hơn bình thường, không để trái chín quá lâu trên cây.
– Thường xuyên vệ sinh vườn bằng cách cắt tỉa những cành, nhánh không cần thiết, tạo cho vườn luôn thông thoáng, sạch sẽ, hạn chế nơi trú ngụ của con trưởng thành.
– Có thể dùng chất pheromon dẫn dụ với tên thương mại là Vizubon-D để làm bẩy dẫn dụ và tiêu diệt con trưởng thành đực (con ruồi đực). Biện pháp này muốn có kết quả cao nên vận động nhiều nhà vườn cùng tiến hành đồng loạt trên diện rộng. Tuy nhiên, việc sử dụng chất dẫn dụ ruồi đực tới bằng pheromon tẩm thuốc độc này thì cũng chưa thể biết được là có chắc ruồi cái đẻ trứng vào trái là những con có được thụ tinh hay chưa.
– Nếu điều kiện bà con nên thực hiện biện pháp bao trái bằng cách dùng bao giấy, bao nilon hay bao chuyên dùng… ở thời điểm sau khi tượng trái, có thể bao từng trái hay bao nguyên chùm trái lại. Đây là biện pháp cho hiệu quả rất cao không phải sử dụng đến thuốc trừ sâu, không gây ô nhiễm cho môi trường và độc hại cho người ăn, tuy nhiên đây cũng là một biện pháp khá tốn công lao động và mất thời gian của bà con nhà vườn.
– Thời gian gần đây, người ta đề nghị sử dụng Protein thủy phân trộn chất độc làm bả diệt ruồi đục trái và đã thu được kết quả khả quan, nhất là khi có sự tham gia của nhiều hộ nông dân. Bởi vì các nghiên cứu đều thấy rằng từ lúc nhộng biến thành ruồi, chúng cần thức ăn giàu protein để tăng trưởng và thành thục, nhất là ruồi cái nên chỉ cần phun một lượng nhỏ protein đã trộn thuốc độc vào một điểm trên tán cây thì hiệu quả phòng trừ rất cao và rất an toàn cho con người cũng như môi trường. Cách làm như sau: pha 100 ml Protein thủy phân với 3-5 ml thuốc trừ sâu Regent 5SC, pha loãng với 1 lít nước rồi đem phun cho mỗi cây trên diện tích khoảng 1 m2 tán lá với lượng 50 ml hỗn hợp. Mỗi tuần phun 1 lần vào lúc 8-10 giờ sáng, ruồi sẽ đến ăn và chết làm giảm được mật số nên không gây hại được.
– Cố gắng hạn chế không nên xịt thuốc hóa học trực tiếp lên trái mận, vì vỏ trái rất mỏng, thuốc dễ ngấm vào trong trái, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Mặt khác, khi trái mận sắp thu hoạch mới bị dòi gây hại, nếu xịt thuốc lúc này chắc chắn sẽ không đảm bảo thời gian cách ly của thuốc.
Hiện nay các nhà chuyên môn đang nghiên cứu biện pháp ghép giống mận ấn Độ lên gốc mận địa phương, vì giống mận ấn Độ không những cho năng suất cao, ăn ngon, ngọt… mà chúng còn có vỏ dày, thịt chắc nên ít bị ruồi đục trái gây hại.
Sưu tầm
Lợi ích của cây tràm bông vàng Cây tràm bông vàng giúp cải thiện môi…
Các giống cây tràm bông vàng phổ biến Cây tràm bông vàng có nhiều giống…
Cây tràm bông vàng trong cảnh quan cây cảnh, nghệ thuật và trang trí Ứng…
Chuẩn bị đất và trồng cây tràm bông vàng Lựa chọn đất trồng cây tràm…
Bạn đã từng nghe về cây hoa kèn hồng (chuông hồng) - loại cây cảnh…
Cây hoa kèn hồng (chuông hồng) không chỉ làm đẹp cảnh quan xung quanh, mà…