Tìm Ra Lời Giải Đáp Cho Chất Kết Dính Gạch Chăm

TÌM RA LỜI GIẢI ĐÁP CHO CHẤT

KẾT DÍNH GẠCH CHĂM

Theo Bách khoa toàn thư, cây dầu rái còn có tên Latin là Dipterocarpus alatus, mọc rất nhiều ở các tỉnh Trung và Nam Trung bộ, Đông Nam bộ. Dầu rái là cây lâu năm, thuộc lớp cây gỗ lớn, họ dầu. Đây là loại cây được biết đến từ lâu bỡi một thứ từ chính thân cây mang lại đó là dầu được chiết xuất từ thân của những cây trưởng thành.

Dầu của cây được dùng vào nhiều việc trong đó có xây dựng bởi trong dầu có chứa chất kết dính. Nhiều nơi nông thôn Việt Nam ngày xưa, dầu rái cùng với vỏ cây bời lời, vỏ hến được ngâm ủ cho ra vôi xây dựng. Đối với cư dân sông nước miền biển, dầu rái là chất không thể thiếu trong việc chế tạo thuyền nan, thúng chai, ghe bầu. Dầu rái được pha chế và dùng để trát lên vỏ ghe thuyền, bởi tính chất đặc biệt của chất liệu này là không thấm nước và tồn tại được trong những môi trường khắt nghiệt, không bị ăn mòn, chống mối mọt. Việc sản xuất dầu rái được thực hiện qua nhiều công đoạn. Khi cây đã trưởng thành có thời gian trên 3 năm, cây tuổi càng cao lượng dầu khai thác càng nhiều, người lấy dầu phải tạo cho cây một vết thương, quá trình lấy dầu được thực hiện bằng cách đốt vào chính vết thương đó. Việc mở miệng cây dầu đòi hỏi người khai thác phải có tay nghề, vì lượng dầu và tuổi thọ của cây phụ thuộc rất nhiều ở khâu đầu tiên này. Một dụng cụ hứng dầu được đặt vào cây gọi là máng, dời. Khi cây bị đốt nóng, thân cây bị ứ lại dầu từ cây sẽ theo vết thương theo máng đến dời, gần giống như dụng cụ lấy mủ cao su để chảy xuống ra ngoài. Việc lấy dầu rái cũng diễn ra trong một thời gian dài cho nên những nơi làm ghề khai thác dầu rái thì những nơi đó phải là nơi có mật độ che phủ của loài cây này dày đặc.

1(19)

Cây dầu rái được trồng khảo nghiệm tại đường vào di tích Mỹ Sơn

Vùng đất Quảng Nam, loại dầu rái mọc nhiều ở những cánh rừng trung du trước đây. Trong đó nhiều nhất thuộc về rừng đặc dụng Mỹ Sơn. Nơi giáp với các cánh rừng thuộc các xã huyện Nông Sơn như Quảng Lai, Thạch Bàn. Theo những giả thuyết về chất kính dính gạch Chăm, người xưa đã dùng chất dầu từ loại cây này để kết dính những viên gạch được nung chín khi xây dựng đền tháp Chăm tại khu di tích Mỹ Sơn. Nhìn những mạch gạch của những ngôi tháp cổ được gắn khít lại, những viên gạch bề mặt không bị rêu xanh xâm thực thì giả thuyết về chất cây dầu rái có tính tương thích cao. Tại khu tháp G Mỹ Sơn, các chuyên gia Italia sau nhiều năm nghiên cứu và phân tích mẫu gạch đã đưa vào thực nghiệm trùng tu tháp G từ chính loại chất kết dính này. Việc khẳng định tính khoa học phải còn chờ thời gian, nhưng việc đưa ra những lập luận khoa học đều có những cơ sở nhất định. Những nan giải trong hàng chục thế kỷ về một loại chất liệu bí ẩn kết dính những viên gạch cổ xưa, đã mở ra những hướng đi trước yêu cầu cấp thiết về sự cần thiết phải cứu vãn di tích Chăm trước những nguy cơ sụp đổ.

2

Dầu rái được trưng bày tại phòng chuyên đề Bảo tàng Mỹ Sơn

Cơ sở cho lập luận về chất kết dính dầu rái được thực hiện bằng phương pháp định tính với những nghiên cứu về thành phần, đặc tính. Tuy nhiên, với những quan sát về lịch sử vùng đất, loại cây dầu rái này mọc rất nhiều ở vùng rừng núi Mỹ Sơn. Những cánh rừng như Quảng Lai, Phương Trạnh (Duy Phú), cánh rừng giáp xã Sơn Viên, Quế Lộc, Quế Trung (Nông Sơn) dầu rái trước đây mọc bạc ngàn. Cư dân trong vùng hình thành nghề khai thác dầu rái. Nghề khai thác dầu rái Phương Trạnh đã góp phần mang lại cơm áo cho cư dân trong vùng. Dầu được khai thác theo thuyền buôn, khách thương hồ xuôi Nam ngược Bắc đi khắp nơi, xuất khẩu ra nước ngoài. Ngày xưa xứ Đàng Trong việc khai thác dầu rái được chính quyền phong kiến quản lý. Tại xã Duy Thu (Duy Xuyên) còn dấu tích của một bến cảng chuyên buôn bán trao đổi mặc hàng này có tên gọi là cảng Bến Dầu. Đó là những cơ sở để củng cố cho những giả thuyết về chất kết dính mà các nhà khoa học đưa ra. Nhưng gạch Chăm làm nên kiệt tác kiến trúc Mỹ Sơn đâu chỉ là chất kết dính, mà ở thành phần chất liệu viên gạch, kỹ thuật chế tác… và cao hơn nữa là đôi tay, tâm huyết của những người nghệ nhân tài hoa đã gửi hồn vào. Nói theo cố kiến trúc sư Kazimiers – Kwiatkowski ““người Chămpa cổ đã gửi tâm linh vào đất đá; và đã biết dựa vào thiên nhiên để làm nên một Mỹ Sơn tráng lệ – thâm nghiêm – hùng vĩ. Đây là một bảo tàng kiến trúc điêu khắc nghệ thuật vô giá của nhân loại mà sẽ còn lâu chúng ta mới hiểu hết”
Ngày nay, dầu rái đã không còn là mặc hàng sản xuất nhiều mặc dù chất liệu của dầu rái được ứng dụng rất nhiều trong ngành kỹ nghệ. Nghề sản xuất dầu rái cũng ngày một mai mọt. Diện tích rừng dầu rái ngày càng bị thu hẹp.Mặt hàng nổi tiếng một thời gắn với vùng đất Mỹ Sơn chỉ còn trong câu chuyện về chất liệu xây dựng đền tháp Chăm – Mỹ Sơn. Âu đó cũng là một cách suy ngẫm vậy.

Sưu tầm