Nương Trà Xanh Bạt Ngàn Trên Đất Sơn Dương

cay che xanh

CÂY TRÀ XANH TRÊN ĐẤT SƠN DƯƠNG

Nằm dưới chân núi Hồng và là vùng đệm của dãy núi Tam Đảo nên thôn Tân Thượng- thôn xa nhất của xã Lương Thiện (Sơn Dương) được ví như một thung lũng nhỏ. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng nhiều ưu đãi đã làm nên vị thơm ngon đặc biệt của cây chè.

cay che xanh

Từ trung tâm xã Lương Thiện đến Tân Thượng là 7 km đường đất. Tân Thượng nằm sát với xã Yên Lãng, huyện Đại Từ. Các cụ cao niên ở đây vẫn gọi là thôn Ba Hòn vì có ba ngọn núi bao quanh. Những ngôi nhà của người Dao, Nùng, Tày nằm ven con suối nhỏ chảy từ núi Hồng ngày đêm không khi nào vơi nước. Có nhiều lý giải vì sao chè ở Tân Thượng lại có vị thơm ngon rất đặc biệt. Người thì bảo do dải đất sát với vùng đất Thái Nguyên vốn là mảnh đất tên tuổi của thương hiệu chè, có người lại bảo do nằm lọt giữa ba ngọn núi nên hứng trọn được ánh nắng mặt trời, khí hậu quanh năm mát mẻ.

cay che xanh

Vườn chè của gia đình anh Tạ Văn Đông.

Tuy nhà anh hiện giờ chỉ có 5 sào chè nhưng anh Đông đang ấp ủ ý định mở rộng thêm 3 sào chè nữa. Anh nhẩm tính, mỗi tháng gia đình anh thu hái một lứa chè, mỗi lứa thu 60 kg đến 65 kg chè khô. Anh nói vui: “Mỗi mẻ thu hái cũng được khoảng 9 triệu đồng, ngang với trên 1 tấn thóc, trừ các khoản chi phí khác, gia đình mình “dắt túi” từ 5 đến 6 triệu đồng, với giá bán 180.000 đồng đến 200.000 đồng/kg chè lai và 90.000 đồng/kg chè địa phương”. Bí quyết để chế biến chè ngon của anh Đông thật đơn giản là hái chè phải đúng kỹ thuật, chọn thời điểm hái thích hợp. Sau khi chè được thu hái phải chế biến ngay, chớ để chè sang ngày thứ hai mới chế biến là coi như bỏ đi. Có lẽ vì tuân thủ những nguyên tắc trong chế biến chè nên chè của gia đình anh Đông luôn được thương lái từ Yên Lãng thu mua với giá cao nhất. Dù chỉ được chế biến từ máy chế biến, lò sao mi ni thủ công nhưng người dân ở Tân Thượng vẫn cho ra được những mẻ chè thơm ngon, làm hài lòng người mua.Ông Phạm Nhật Lệ, Bí thư Chi bộ kể lại, cách đây khoảng 30 năm, cây chè đã được người dân trồng nhưng chỉ có vài khóm trên đất đồi, chủ yếu để phục vụ nhu cầu của mỗi gia đình. Hàng ngày những cây chè được “uống” nguồn nước suối trong trẻo, được bàn tay người dân cần mẫn chăm chút. Dù cách chế biến còn thủ công nhưng khi pha uống, nhiều người phải trầm trồ bởi hương vị thơm ngon của chè. Nước chè cứ xanh biếc, uống xong mới thấy cái vị ngòn ngọt thấm dần trong lưỡi. Vậy là cây chè được đưa vào trồng nhiều hơn. Không như nhiều nơi khác, chè được trồng tập trung hơn chục ha và trồng rải rác trên đồi, xung quanh nhà. Nằm sát với thôn Tân Tiến nhưng cây chè chỉ bén duyên được với mảnh đất Tân Thượng. Người dân ở Tân Tiến đã nhiều lần thử trồng chè nhưng không thành. Còn ở Tân Thượng lại không trồng cây gì lên xanh tốt như cây chè. Đưa chúng tôi đến thăm gia đình anh Tạ Văn Đông, người được cho là chuyên canh về cây chè và có bí quyết chế biến chè ngon nhất ở Tân Thượng này. Lấy chè pha nước thứ hai rồi mời chúng tôi thưởng thức, anh Đông bảo: “Rượu cốt một, chè cốt hai mà”. Chén chè nóng hổi tỏa hương thơm ngào ngạt, sau vị chát ngọt còn đọng lại trong miệng là vị ngọt thanh mát. Anh Đông xuýt xoa: “Tiếc quá vì nhà mình vừa bán hết 4 yến chè lai với giá 200.000 đồng/kg, giờ không còn ít nào trong nhà để mời khách. Chè đang uống là chè cây giống địa phương, chất lượng không bằng chè lai mình vừa bán hết đâu”. Gia đình anh Đông quê ở xã Yên Lãng, bắt đầu chuyển về Tân Thượng sinh sống từ năm 2004. Đến năm 2007, anh Đông mua hơn 3 nghìn giống chè cành về trồng.

cay che xanh

Cũng như nhà anh Đông, gia đình anh Triệu Văn Đoan cũng chuyên canh về chè và có nguồn thu nhập chính từ chè khoảng chục năm nay. Nếu thêm 2 sào chè cành nhà anh mới trồng thì hiện nay gia đình anh đã có 6 sào chè. Một năm gia đình anh thu hái khoảng chục lứa chè, thu nhập mỗi lứa cũng ngót chục triệu đồng. Anh bảo, lúa trồng chỉ đủ ăn còn mọi khoản chi phí, trang trải khác đều từ cây chè. Hai năm trở lại đây, anh Đoan còn ươm thêm chè giống để cung ứng cho các hộ xung quanh có nhu cầu trồng chè. Anh bảo: “Vào thời điểm này, giá thu mua chè lên tới 170.000 đồng/kg nhưng gia đình mình cũng không có mà bán vì chè đã hết lứa”. Thưởng thức chè do nhà anh Đoan sản xuất, chế biến chúng tôi mới cảm nhận được rằng cho dù chè ở đây có những cách thức, kỹ thuật, bí quyết chế biến khác nhau nhưng đều có hương vị thơm ngon. Hương vị kết tinh từ đất trời đã ban tặng cho mảnh đất này.

cay che xanh

Anh Lương Văn Kiên, Trưởng thôn cho biết, hiện nay toàn thôn có khoảng 180 ha đất đồi có thể trồng chè. Tiềm năng vẫn còn nhiều nhưng để nhiều người biết đến chè Tân Thượng vẫn còn là cả một chặng đường. Chè ở Tân Thượng bây giờ chủ yếu vẫn được tiêu thụ bởi người thu mua chè ở Yên Lãng. Nhà nào cũng có một máy sao, chế biến chè mi ni, kỹ thuật thì phải tự học hỏi, tìm tòi. Năm nay, người trồng chè ở Tân Thượng đang phấn khởi bởi dự án “Tam nông” bước đầu được triển khai sẽ đầu tư cho thôn 186 triệu đồng để mua máy móc, giúp các hộ trồng chè được tiếp cận với khoa học kỹ thuật. Hôm chúng tôi đến, ông Phạm Nhật Lệ đang chuẩn bị ra huyện tham dự lớp tập huấn về sản xuất và chế biến chè. Đó mới là sự quan tâm bước đầu cho cây chè – một tiềm năng cần được khai thác.

Bài, ảnh: Thủy Châu