Nhãn Miền Thiết “Lên Ngôi” ở Vùng Đất Trứ Danh

caynhanMienThiet1

NHÃN MIỀN THIẾT

“LÊN NGÔI” Ở VÙNG ĐẤT TRỨ DANH

Nhãn lồng Hưng Yên vốn nổi tiếng là loại ngon nhất miền Bắc từ xưa, nhưng ngày nay, liệu điều này có còn đúng?

nhan

Liệu có còn nhãn lồng Hưng Yên?

Người tiêu dùng từ trước tới nay chỉ biết tới “nhãn lồng Hưng Yên” như một loại đặc sản, mà ít ai biết rằng, loại đặc sản này gần như chỉ còn trong… lịch sử. Khi được hỏi về số phận của giống nhãn lồng, một đặc sản của vùng quê Hưng Yên, anh Nguyễn Văn Hùng, người trồng nhãn tại Khoái Châu, Hưng Yên cho biết, hiện tại số gốc nhãn lồng rất ít, vì nhãn lồng cho năng suất bấp bênh, cây già, cằn; hiệu quả kinh tế kém.

nhan-mien-thiet-Hung-Yen
Nhãn lồng Hưng Yên

Trước đây, nhãn lồng bị mai một thì giống nhãn Hương Chi được trồng nhiều, nhưng từ năm 1986, khi xuất hiện giống nhãn Miền Thiết thì giống nhãn này đã được trồng đại trà vì… quá ngon, năng suất rất cao và ổn định, lại chống chọi sâu bệnh tốt. Giống nhãn Miền Thiết cũng đã được trồng ở Mộc Châu, Sơn La, Điện Biên, Nghệ An, Hải Phòng và nhiều địa phương khác. Nhưng cũng giống như nhãn lồng, nhãn Miền Thiết trồng ở Hưng Yên là ngon nhất, nên thương hiệu “nhãn Hưng Yên” dường như không có… đối thủ!

Nhãn Miền Thiết – “ngon hơn cả nhãn lồng”

caynhanMienThiet1
Năm nay thời tiết ít thuận lợi nên nhãn Miền Thiết không được mùa

Nếu trước kia, vùng đất Hưng Yên nổi tiếng với nhãn lồng thì hiện nay nhãn Miền Thiết được trồng ở Hưng Yên được đánh giá còn… ngon hơn cả nhãn lồng, Nhãn Miền Thiết được đặt theo tên của ông Miền, bà Thiết – những người chọn tạo giống nhãn này. Hiện nhãn Miền Thiết là cây trồng chủ lực của Hưng Yên. Giá nhãn Miền Thiết bán tại vườn thường vào khoảng 30.000 – 35.000 đồng/kg.

Thông thường, một vụ nhãn được bà con chia làm ba giai đoạn: Trà sớm, trà trung và trà muộn. Trà sớm có thời gian từ tháng 7 cho tới tháng 8, trà trung (chính vụ) bắt đầu từ cuối tháng 8 đến hết tháng 9. Còn trà muộn cho ra những trái nhãn muộn nhưng vẫn căng mọng, cùi dày, thơm và ngọt lịm là từ tháng 9 cho tới tận tháng 11 dương lịch. Và loại nhãn Miền Thiết nổi tiếng Hưng Yên cho thu hoạch cả trong chính vụ và muộn cho tới cuối năm. Anh Hùng, cũng là chủ nhân của một vườn nhãn Miền Thiết hơn trăm gốc tại Khoái Châu, Hưng Yên hiện nay cho biết, nhãn sớm được bán tại vườn với giá khoảng 25.000 đồng/kg, còn nhãn muộn có thể bán được 30.000-35.000 đồng/kg.

Tuy nhiên năm nay ở Hưng Yên, vì nhãn trổ hoa, đỗ quả sớm, lại gặp thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều, nên nhãn bị hỏng cũng không ít. Anh Hùng cho biết, sản lượng nhãn chính vụ năm nay tại vườn anh chỉ bằng 2/3 so với năm ngoái và những vườn nhãn trên địa bàn cũng cùng chung tình cảnh!

Ngoài Miền Thiết, còn có loại nhãn nào ngon ở miền Bắc?

caynhanMienThiet1
Giống nhãn lai Hương Chi – Miền Thiết của ông Báo

Ngoài loại nhãn Miền Thiết kể trên, ở miền Bắc còn có loại nhãn lai Hương Chi – Miền Thiết được trồng nhiều ở Bắc Giang. Ngược lại với những vườn nhãn chỉ còn 2/3 sản lượng so với năm ngoái ở Hưng Yên, người trồng nhãn ở Bắc Giang năm nay lại có một vụ mùa bội thu với giống nhãn lai Miền Thiết và Hương Chi. Ông Trương Văn Báo, chủ nhân hơn 700 gốc nhãn tại Giáp Sơn, Bắc Giang cho biết, sau hơn 20 năm trồng nhãn Hương Chi, ông đã quyết định ghép cải tạo nhãn Hương Chi với nhãn Miền Thiết. Sau 2 năm, vụ mùa 2014 năm nay, 700 gốc nhãn Hương Chi – ngọn Miền Thiết của gia đình ông đã bội thu. Loại nhãn lai này được bán tại vườn với giá trung bình 25.000 đồng/kg.

Theo đánh giá của nhiều người sành ăn, loại nhãn lai Hương Chi – Miền Thiết ở Bắc Giang tuy không ngon như Miền Thiết ở Hưng Yên song cũng là loại nhãn cùi dày, thơm ngọt.

Nhãn bán nhiều trên thị trường hiện nay là loại nhãn nào?

Anh Hùng cho biết, vào thời điểm hiện tại (đầu tháng 8) thì thị trường mới chỉ có nhãn sớm, mà người trồng nhãn như anh gọi là “nhãn Hà Tây giống T2, T6”. Loại nhãn này cùi dày nhưng vị nhạt hơn nhãn Miền Thiết.

Còn loại nhãn Miền Thiết kể trên, phải nửa tháng nữa, tức là gần đến rằm trung thu, thì mới bắt đầu chính vụ thu hoạch nhãn. Như vậy, có thể thấy, nhãn trên thị trường hiện nay chưa phải là loại nhãn Miền Thiết ngon nhất, dù được người bán giới thiệu đủ các xuất xứ: nhãn quê, nhãn Hà Tây, nhãn lồng Hưng Yên, nhãn Điện Biên, nhãn Sơn La, nhãn lai, nhưng chủ yếu vẫn liên quan đến giống nhãn Miền Thiết hoặc Hương Chi. Nhãn lồng, tuy vẫn còn, nhưng sản lượng ít và thường được “đặt trước”, khó có thể bán đại trà trên thị trường!

Ngoài ra, với giá thành của từng loại nhãn như ở trên, cộng thêm chi phí vận chuyển thì để mua được loại nhãn Miền Thiết Hưng Yên ngon ưng ý vào chính vụ, chắc chắn người tiêu dùng khó có thể mua với giá rẻ hơn 50.000 đồng/kg tại Hà Nội. Những loại nhãn được bán với giá rẻ hơn chắc chắn có xuất xứ, nguồn gốc từ các vùng, miền khác.

Sưu tầm