Người Tiên Phong Trồng Giống Ớt Mỹ Nhân Vương Tại Việt Nam

NGƯỜI TIÊN PHONG TRỒNG ỚT

MỸ NHÂN VƯƠNG TẠI VIỆT NAM

Quyết định từ bỏ công việc ổn định 9 năm ở Hàn Quốc mà nhiều người mơ ước, chàng tiễn sĩ Nguyễn Văn Dân cầm tấm bằng tiến sĩ về quê để trồng ớt. Chuyện tưởng đùa này đang hiện hữu ở Vĩnh Phúc.

Anh là người đầu tiên mang giống ớt Mỹ Nhân Vương về Việt Nam.

Trở về

Sinh ra và lớn lên tại vùng quê Thạch Thất (Hà Nội) nhưng Nguyễn Văn Dân lại chọn vùng quê Vĩnh Phúc để khởi đầu cho cái nghiệp trồng ớt của mình. Hiện anh là Giám đốc Công ty Cổ phần STEVIA VENTURET chuyên thu mua và chế biến ớt xuất khẩu.

Nguyễn Văn Dân sinh ra trong gia đình thuần nông nghèo có 3 anh chị em. Cuộc sống của một gia đình bần nông khó khăn, cơm không đủ ăn thường xuyên phải ăn sắn thay cơm, ngoài giờ đi học, Dân còn phụ giúp gia đình chăn trâu, cắt cỏ, đan lát. Thấu hiểu nỗi khổ cực của gia đình, cậu bé Dân đã nhận thức được rằng, chỉ có con đường học vấn mới thoát khỏi nghèo khó. Từ đó anh Dân luôn nỗ lực trong học tập với tâm niệm phải học thật giỏi.

Chính sự cố gắng không ngừng của mình, anh Dân đã đỗ vào hai trường đại học cùng lúc: Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ) và Đại học nông nghiệp Hà Nội. Sau nhiều ngày đắn đo lựa chọn, anh quyết định theo học khoa Sinh của trường Đại học Tổng hợp. Một học bổng giúp anh Dân được sang Hàn Quốc du học chuyên ngành Sinh học. Sau hai năm miệt mài học tập, anh được giữ lại làm việc tại Hàn Quốc.

My-nhan-vuong

Cuộc sống của anh không còn gì phải phàn nàn khi anh tìm được một nửa của mình cũng là một nghiên cứu sinh Việt Nam tại Hàn Quốc và một cậu con trai kháu khỉnh chào đời. Nhưng hai tiếng “quê hương” luôn đau đáu vẫy gọi anh.

Nguyễn Văn Dân quyết định từ bỏ 9 năm sinh sống ở Hàn Quốc và một công việc thuận lợi để về lập nghiệp ở Việt Nam. “Khi quyết định trở về Việt Nam , từ bỏ một môi trường học tập và làm việc tốt mà nhiều người mong muốn thì đã có người cho rằng tôi quá mạo hiểm và có chút… điên rồ” – anh Dân chia sẻ.

Về nước, anh tiếp tục theo đuổi công việc nghiên cứu sinh học, anh vào làm việc ở Viện ứng dụng công nghệ của Bộ khoa học. Những ngày đầu mới về nước, anh Dân không tránh khỏi sự hụt hẫng về môi trường làm việc, cuộc sống. Đã nhiều lần anh có ý định quay lại Hàn Quốc.

Khát vọng trỗi dậy

Cái “duyên” giữa anh và ớt Mỹ Nhân Vương cũng thật tình cờ trong một cuộc họp hợp tác giới thiệu về giống ớt. Ngay lập tức trong đầu anh xuất hiện suy nghĩ “sao giống ớt đặc biệt này lại chưa được trồng ở Việt Nam”.

Nghĩ trong đầu, ngay lập tức anh dày công tìm hiểu về giống ớt có cái tên đặc biệt Mỹ Nhân Vương này. Anh Dân lặn lội khắp nơi để tìm hiểu, nghiên cứu về các đặc điểm sinh học của giống ớt đặc biệt này. Anh vấp phải nhiều khó khăn khi tìm cách nhập giống về Việt Nam . Do đây là giống ớt quý nên rất khó mua được giống, một phần vì giá cả đắt đỏ, một phần do các nước bạn không muốn phát tán giống ớt đặc biệt này. Anh kể vui: “Có lần mình phải cho hạt ớt vào trong túi cà phê để qua được cửa kiểm soát mới mang được ít giống về Việt Nam trồng thử nghiệm”.

Khó khăn là vậy nhưng nó lại càng thôi thức anh Dân quyết tâm trồng bằng được giống ớt lạ này ở quê hương. Qua các giáo sư đã từng được học ơ Hàn Quốc, Singapore, anh nhờ giúp để có được các thông số về giống, cách chăm sóc, thu hoạch.

Khi đã có được hạt giống ớt trong tay, anh Dân bắt tay vào thực hiện ngay dự án của mình. Anh chọn Vĩnh phúc là vùng đất của giống ớt Mỹ Nhân Vương. Một lần nữa, anh lại vấp phải khó khăn trong việc thuyết phục bà con nông dân trồng giống ớt của mình. Nhiều đên trăn trở không ngủ, anh Dân đã tìm đến sự trợ giúp của giáo sư Nguyễn Lân Dũng tác động đến chính quyền và người dân. Ban đầu anh chọn vùng Lập Thạch, Tam Dương, Tam Đảo và Vĩnh Tường để trồng ớt. Anh cung cấp giống, phân bón, thuốc trừ sâu và tận tình xuống tận nơi để hướng dẫn cách chăm sóc ớt cho từng hộ dân.

Anh mở quy mô trồng ớt Mỹ Nhân Vương trên diện tích 500ha, giao cho hơn 600 hộ dân chăm sóc. Theo anh Dân, ở Trung Quốc, ớt Mỹ Nhân Vương chỉ trồng được 1 vụ do có mùa Đông băng giá, nhưng ở Việt Nam khí hậu cho phép trồng được quanh năm. Vòng đời của một cây ớt là 6 tháng, ớt giống sau khi gieo 20 ngày có thể đem ra trồng. Ớt trồng 4 tháng sau có thể cho thu hoạch, cách 1-2 ngày lại thu hoạch một lần, nếu chăm sóc tốt thì ớt có thể cho thu hoạch đến 2 tháng liền.

Dẫn chúng tôi đi thăm những ruộng ớt đang vào vụ, anh Dân chỉ cho chúng tôi xem những quả ớt Mỹ Nhân Vương đỏ chót, dài đến hơn gang tay, ớt có vị cay mạnh, mới đầu nếm vào có vị ngọt sau đó cay dần. Anh chia sẻ, “Nhờ nghiên cứu trồng thành công 2 cây ớt trên 1 gốc nên năng suất ớt của anh cao gấp đôi, đạt 50-60 tấn/ha”. Anh Dân là người đầu tiên thành công trong việc trồng 2 cây ớt trên một gốc. Anh Dân vạch từng tán lá chỉ cho chúng tôi xem, mỗi gốc ớt của anh có từ 15-17 tấng lá, có gốc cho đến cả trăm quả. Đến vụ ớt, anh Dân và các kỹ sư của mình trực tiếp ngày đêm “ăn nằm” tại ruộng để chăm sóc sâu bệnh cho ớt, “chỉ một vài cây bị bệnh là sẽ lan ra cả ruộng, không cẩn thận là mất mùa ngay”- anh Dân cho biết.

Từ việc trồng thành công giống ớt Mỹ Nhân Vương cung cấp cho các nhà hàng, anh Dân còn thành lập Công ty Cổ phần STEVIA VENTURET chuyên thu mua và chế biến ớt xuất khẩu. Đến nay anh công ty của anh đã xuất khẩu ớt sang nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc… Nhiều bạn hàng của công ty anh còn sang tân nơi để đặt hàng. Anh đã làm nên thương hiệu ớt riêng ở Việt Nam.

Anh Dân tâm sự: Nhiều lúc nghĩ đến thành quả mình xây dựng nên thì thấy hạnh phúc, tuy nhiên nhiều lúc thấy mệt mỏi, nhà thì ơt Hà Nội, trồng ớt ở các huyện, công ty lại ở Gia Khánh – Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), chuyện đi lại đã là một khó khăn với anh. Nhưng không vì thế mà anh từ bỏ ước mơ với giống ớt Mỹ Nhân Vương này.

Anh Dân và giống ớt Mỹ Nhân Vương của mình đã mang lại diện mạo mới cho cuộc sống người dân vùng quê nông thôn ở Vĩnh Phúc. Công ty thu mua ớt của anh còn tạo việc làm cho cho hàng trăm lao động và các kỹ sư nông nghiệp trong nước.

Dám từ bỏ và dám ước mơ, chàng tiến sĩ Nguyễn Văn Dân đã làm nên thành công và xây dựng được thương hiệu riêng của mình. Thành công của anh Dân sẽ là một tấm gương sáng truyền lửa cho các thế hệ thanh niên kế tiếp để có nhiều hơn nữa những trí thức trẻ làm giàu chân chính từ trí tuệ, sức trẻ trên mảnh đất quê hương.

Sưu tầm