Làm Giàu Với Cây Mãng Cầu Xiêm Trên Vùng Đất Nhiễm Mặn

cay mang cau xiem

LÀM GIÀU VỚI CÂY MÃNG CẦU XIÊM

TRÊN VÙNG ĐẤT NHIỄM MẶN

Cù lao Lợi Quan gồm các xã: Tân Thới, Tân Phú, Phú Thạnh, Phú Đông và Phú Tân có một mặt tiếp giáp với biển Đông bao la; hai bên là sông Cửa Tiểu và Cửa Đại. Do địa thế đặc thù như thế nên điều kiện sản xuất đời sống của bà con địa phương cũng đặc biệt khó khăn. Tách biệt giữa bốn bề sông nước, hàng năm bị nhiễm mặn từ 3 đến 6 tháng tùy nơi…, cuộc sống của nhân dân phải đương đầu với nhiều thách thức, nan giải. Tuy vậy, trong cái “khó ló cái khôn”, bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió, nông dân có những cách làm đột phá để đi lên, có thu nhập cao nhờ phát huy tiềm năng đất đai, trong đó có nông dân Võ Văn Mười cư ngụ tại ấp Tân Thạnh, xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông với mô hình chuyên canh mãng cầu xiêm.

cay mang cau xiem mang cau xiem

Ông Mười cho biết, gia đình ông có 7 nhân khẩu, với 5.100 m2 đất canh tác. Trước đây, phần đất trên trồng lúa. Đất nhiễm phèn lại nhiễm mặn nên sản xuất không hiệu quả, năng suất bấp bênh. Những năm thời tiết bất thường, mặn xâm nhập sớm và kéo dài coi như mùa màng mất trắng, đời sống nông dân địa phương lâm vào cảnh túng quẫn. Không thể cam chịu những rủi ro như thế mãi, ông Võ Văn Mười nghiên cứu chuyển đổi từ trồng lúa sang chuyên canh trồng mãng cầu xiêm.

Đây là cây truyền thống của địa phương, có đặc điểm chống chịu với điều kiện sinh thái đặc biệt khó khăn, năng suất cao và quan trọng hơn cả là đầu ra thuận lợi, tiêu thụ dễ dàng với giá cao.

Thời điểm chuyển đổi cây trồng sang chuyên canh mãng cầu xiêm vào năm 2004. Ông chọn trồng giống mãng cầu xiêm ghép trên gốc bình bát nhằm lợi dụng bộ rễ và khả năng chịu mặn, chịu phèn tuyệt vời của cây bình bát. Cách làm của ông Võ Văn Mười như sau: ông đắp mô trên ruộng với qui cách mô cách mô 0,7 m và hàng cách hàng 4,5 m. Trên mô trước tiên trồng cây bình bát. Khi bình bát được 10 – 12 tháng tuổi bắt đầu ghép bo mãng cầu xiêm lên thân cây. Ưu điểm của phương pháp ghép bo là cây mãng cầu xiêm phát triển nhanh, mau cho trái. Để đạt yêu cầu về kỹ thuật cần chọn bo khỏe mạnh và lấy từ những cây mãng cầu xiêm bố mẹ có năng suất cao, sai quả và chất lượng quả đẹp, ngon. Trong khi cây mới trồng, chưa khép tán thì dưới ruộng nông dân vẫn cấy lúa bình thường.

Thông thường, trong điều kiện chăm sóc tốt, khoa học, chỉ sau 2 năm tuổi mãng cầu xiêm cho trái bói (trái chiến), sau 3 – 4 năm tuổi bắt đầu khai thác ổn định. Ông Mười cho biết thêm, với 5.100 m2 đất trồng chuyên canh, mỗi năm ông đạt sản lượng trên 10 tấn quả, giá bán dao động từ 8.000 đồng đến 11.000 đồng/kg tùy thời điểm. Sau vụ thu hoạch, hạch toán tất cả các khoản chi phí cần thiết, ông còn lãi từ 60 – 80 triệu đồng. Vị chi đạt lợi nhuận 150 – 160 triệu đồng/ha đất canh tác, cao gấp ba – bốn lần trồng lúa năng suất cao trước đây. Hiện nay, mô hình trồng chuyên canh mãng cầu xiêm trên đất nhiễm mặn đã góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp – nông thôn Tân Phú Đông.

Huyện đã xác định đây là cây trồng chủ lực giúp những nông dân nhạy bén như ông Võ Văn Mười làm giàu nhanh và bền vững.

Sưu tầm