Kỹ Thuật Chăm Sóc Cây Quýt

cay quyt

KỸ THUẬT CHĂM SÓC CÂY QUÝT

Trước đây, do chúng ta sử dụng giống địa phương năng suất không cao và không thâm canh nên với điều kiện của thiên nhiên thì có thể cung cấp đủ dưỡng chất cho cây trồng mà không cần phải bổ sung thêm. Nhưng ngày nay, chúng ta sử dụng các giống cải tiến, năng suất rất cao và trồng thâm canh nên dưỡng chất tự nhiên không cung cấp đủ cho cây trồng và chúng ta cần phải bổ sung thêm cho nó. Việc bón phân cho cây trồng không thể định lượng được mà phải căn cứ theo điều kiện đất đai ở từng nơi và còn tùy loại cây trồng. Mặt khác, nếu cung cấp dưỡng chất không đúng và không cân đối thì sẽ gây ức chế sự hấp thụ một chất khác dẫn đến tình trạng cây trồng thiếu chất bị ức chế đó. Những triệu chứng thiếu dinh dưỡng trên cây cam quýt, bà con có thể tiến hành theo 5 bước :

cay quyt

Thứ nhất là nhận diện được triệu chứng bất thường trên cây trồng bằng cách so với một số hình ảnh mẫu về các triệu chứng thiếu dinh dưỡng để định hướng cây đang thiếu chất gì.

Thứ hai là sau khi đã định hướng được thiếu chất gì rồi thì cần phải lấy mẫu lá gửi cho các phòng thí nghiệm để khẳng định lại cho chính xác.

Thứ ba là bổ sung chất mà cây trồng đang thiếu, nên chừa lại một cây đối chứng vẫn giữ nguyên không cung cấp thêm bất cứ loại phân bón nào.

Thứ tư là kiểm tra lại xem trên những cây đã xử lý có khắc phục được tình trạng thiếu dinh dưỡng hay không bằng cách so sánh với cây đối chứng còn lại. Nếu cây vẫn không khắc phục được thì có thể là do sâu bệnh gây hại dẫn đến tình trạng thiếu dinh dưỡng thì lúc này phải có hướng phòng trị sâu bệnh.

Thứ năm là lập ra một qui trình quản lý dinh dưỡng cho vườn cây cam quýt để áp dụng cho những năm sau.

Phân biệt các triệu chứng thiếu đạm, kẽm và sắt trên cây cam quýt: Thiếu đạm thì lá già có màu vàng, còn thiếu kẽm thì lá non có màu vàng nhưng gân lá vẫn còn xanh, kích thước lá nhỏ lại. Thiếu sắt thì cũng thể hiện ở lá non có màu vàng, gân lá xanh nhưng kích thước lá vẫn bình thường. Trường hợp cây thiếu đạm thì có thể bón phân urê vào đất hoặc phun lên lá (pha 1/1 lít nước). Còn thiếu kẽm thì có thể sử dụng sunfat kẽm (ZnSO4), cũng pha khoảng 1g/1 lít nước và phun trực tiếp lên lá. Thiếu sắt thì sử dụng từ 2-4g EDTA sắt pha trong 1 lít nước và phun đều lên cây.

Cam quýt bị vàng lá gân xanh thì triệu chứng giống với thiếu kẽm, bởi vì vi khuẩn gây bệnh vàng lá gân xanh sống trong mạch nhựa của cây cũng làm cho chất kẽm trong đất trở nên không hữu dụng trong cây, nên cây cũng có triệu chứng thiếu kẽm. Cây bị bệnh vàng lá gân xanh thì không thể phun bổ sung chất kẽm là cây phục hồi được mà trước hết nên cắt bỏ những cành bắt đầu bị bệnh, cắt sâu vào trong gần sát thân cây mẹ. Những cây bị bệnh nặng thì nên mạnh dạn nhổ bỏ và tiêu hủy.

Nguồn tin: NNVN