Hướng Dẫn Kỹ Thuật Giâm Cành Cho Cây Ắc Ó

cay ac o

KỸ THUẬT GIÂM CÀNH CHO CÂY ẮC Ó

Giâm cành ắc ó là một biện pháp nhân giống bằng vô tính – phương pháp giâm cành, từ một đoạn cành cây ắc ó bao gồm một đến hai nách lá hoặc phần ngọn, cùng với các chồi nách (hom giống) đem giâm trên một vật liệu có thể là đất, giá thể trồng,… và phát triển thuận lợi trở thành một cây ắc ó mới giống cây bố mẹ.

Ưu điểm của giâm cành cây ắc ó:Tạo cho quần thể cây ắc ó đồng đều, giữ vững được các đặc tính của cây ắc ó bố, mẹ, hình dạng và màu sắc ổn định. Và phương pháp giâm cành tạo nên hệ số nhân giống lớn, có thể nhân giống đồng loạt.

Nhược điểm:Phải thường xuyên kiểm tra và quản lý sâu bệnh hại chặt chẽ.

cay ac o

Việc nhân giống bằng hom áp dụng với cây ắc ó đã được nông dân sử dụng từ lâu, và áp dụng nó để tạo ra cây mới. Với nhu cầu trồng sử dụng loại cây này khá phổ biến ở các khu công viên, nơi công cộng, nhà ở, đường phố, biệt thự và hàng quán,… do vậy chọn lựa sản xuất cây ắc ó bằng phương pháp giâm cành sẽ là giải pháp để mang lại kinh tế cao. Cây ắc ó thường được dùng là cây trồng viền, cây trồng hàng rào,… với màu xanh đậm, lá tốt từ gốc đến ngọn, dễ khống chế chiều cao, cây sinh trưởng mạnh mẽ.

1. Hom cây ắc ó

  • Hom cây ắc ó dùng để nhân giống thường là những cành bánh tẻ của cây tốt hoặc những cây giống ưu tú. Khi xác định xây dựng vườn giống cần đảm bảo chỉ tiêu mật độ phù hợp, chỉ tiêu ánh sáng, nguồn nước cung cấp, chế độ phân bón hợp lý… do vậy chúng ta phải xác định trước ngay từ lúc kiến thiết cơ bản.
  • Phương pháp giâm cành cây ắc ó là một phương pháp sử dụng một bộ phận gồm đoạn thân lá (cơ quan dinh dưỡng) để tái sinh thành một cây mới. Phiến lá của chúng là cơ quan quang hợp, tạo ra dinh dưỡng để nuôi hom và tái sinh cây, lá có vai trò trong việc tạo thành cây, do vậy yêu cầu không được làm lá hom cây ắc ó bị tổn thương và đòi hỏi sạch sâu bệnh.
  • Chọn lọc các cây ắc ó giống – cây bố mẹ thuần chủng, trồng mật độ thưa để đảm bảo cho cây mẹ sinh sản nhiều cành nhánh. – Chọn cành cây ắc ó khỏe, không sâu bệnh, đường kính nhánh hom cây ắc ó chọn từ 4 đến 6 mm, chiều dài từ 10 – 15cm
  • Dùng kéo sắc để cắt hom. Đảm bảo vết cắt ngọt, dứt khoát, không cắt hai lần hoặc nhiều lần tại một dấu cắt, gây trầy vỏ cành cây hoặc bị dập thân của cành/ nhánh
  • Tiêu chuẩn màu sắc hom phải bảo đảm có màu xanh đặc trưng, tốt nhất là xanh nâu đã hóa già.
  • Bảo quản hom thật tốt, không làm hư hại lá và cành hom, nếu vận chuyển đi xa phải được bảo quản cẩn thận, không làm hư hại đến lá và thân hom

2. Cắm hom cây ắc ó:

Cắm hom: Trước khi cắm hom nên sử dụng CuSO40,1% để phòng nấm bệnh. Dùng vòi nước tưới vào túi bầu đảm bảo độ ẩm đạt 80 – 85%, có thể dùng tay cắt các đỉnh sinh trưởng của hom nếu bị sót lại khi chưa thực hiện công đoạn này trong vườn giống trước đó, không nên cắm hom quá sâu rất dễ bị thối hom, sau khi cắm hom xong thì phải tưới lại nước để cho đất và hom bám sát vào nhau.

3. Vườn ươm cây ắc ó:

  • Để tạo thành cây ắc ó đạt chất lượng trong vườn ươm trước khi đưa vào trồng sử dụng, đòi hỏi hom giống phải đảm bảo chất lượng, ngoài ra điều kiện giâm ươm an toàn, các yếu tố ảnh hưởng khác như đất đai, nhiệt độ, ánh sáng… của vườn ươm phải thích hợp.
  • Trong quá trình chăm sóc cây ắc ó luôn luôn bảo đảm làm cỏ sạch sẽ, vệ sinh khu vực vườn ươm và vành đai, đồng thời quản lý sâu bệnh nghiêm ngặt, không để sâu bệnh hại phát sinh.

4. Kỹ thuật nuôi hom cây ắc ó:

Với sức sinh trưởng và tính chất của cây ắc ó, chúng ta nên nuôi hom giống trong thời gian 2 đến 3 tháng để đảm bảo hom giống đạt 15cm đến 20cm, số lượng lá trên hom giống đạt từ 7 đến 10. Như vậy để lấy hom giâm vào tháng 5 chúng ta có thể nuôi hom vào tháng 3 hoặc nửa cuối tháng 2 để đảm bảo hom giống đạt yêu cầu kỹ thuật.

Chăm sóc vườn ươm bao gồm các công việc như tưới nước, làm cỏ, phân loại cây con, trồng dặm các cây chết, theo dõi sâu bệnh hại, điều chỉnh nhiệt độ và ánh sáng, độ ẩm…

4.1 Tưới nước: Tùy vào giai đoạn hom cây ắc ó phát triển ta tiến hành cung cấp nước khác nhau

  • Từ khi ươm đến 10 ngày: Thời kỳ này cần cung cấp độ ẩm thích hợp đến trên 80%, do hom mới cắt, cây dễ thoát hơi nước bởi vậy cần che chắn xung quanh và trên lưới đảm bảo nếu không dễ bị khô lá và héo hom, mỗi ngày tưới 1 đến 2 lần, nên tưới phun sung giữ ẩm
  • Từ 11 đến 15 ngày: Giai đoạn này hình thành mô sẹo, hai ngày tưới 1 lần, đảm bảo ẩm độ 70 đến 80%
  • Từ trên 15 ngày, cây đã ra rễ cần phải cung cấp nước thường xuên, đảm bảo độ ẩm từ 75 đến 80%, cách 2 đến 3 ngày tưới 1 lần.

4.2 Điều chỉnh ánh sáng:

Ở khu vực miền Nam, có hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô, do vậy việc cường độ sáng cũng có thể từ đó mà khác nhau, ngoài ra, ánh sáng cũng liên quan đến nhiệt độ cao hay thấp, vậy nên tùy vào mỗi mùa mà chúng ta cần điều chỉnh ánh sáng khác nhau đảm bảo cho thích hợp

  • Thông thường, thời gian từ khi giâm cành đến 15 ngày cây cần ít ánh sáng, do đó chúng ta nên che phủ từ 70 đến 80%, lượng ánh sáng cung cấp cho hom trong giai đoạn này từ 20 đến 30%
  • Từ 16 đến 30 ngày chỉ giử lại ánh sáng tán xạ 50%
  • Từ 31 đến 60 ngày cây cần ánh sáng từ 70 đến 80% – Sau 60 ngày cây đủ điều kiện thành thục kinh tế, đáp ứng yêu cầu cây con để xuất vườn.

4.3 Phân bón vườn ươm cây ắc ó bằng giâm cành:

-Bón cây bố mẹ để nuôi hom cây: Nuôi hom giống cần đảm bảo hom luôn khỏe mạnh do vậy công việc bón phân là cần thiết. Nên sử dụng NPK (20-20-15) bón trước khi bắt đầu nuôi, mỗi gốc bón 100g đến 130g, đối với phân hữu cơ có thể bón trước khi để hom từ 1 đến hai tháng.

– Nuôi hom: Vai trò của phân bón ở giai đoạn này cần phải điều chỉnh thích hợp, cần hiểu biết về thời kỳ sinh trưởng, thời gian ra rễ, tính chất cây trồng cần bổ sung dinh dưỡng, do đó đòi hỏi của cây cao, nhưng phải kết hợp đúng yêu cầu của chúng.

Lượng phân bón phải thích hợp và chỉ được bón phân khi cây đã có rễ, lượng phân bón nên theo dạng tăng dần, vì lúc đầu cây tập trung phát triển rễ chưa cần nhiều phân nhưng về sau, bầu ươm nhỏ cần bổ sung phân bón nhiều hơn để cải thiện dinh dưỡng cho chúng

Từ 7 đến 10 ngày hom liền vết cắt, 11 đến 15 ngày hom hình thành mô sẹo, từ 16 đến 30 ngày hom hình thành rễ, thời kỳ này cần được chăm sóc đặc biệt, chúng sẽ quết định tỷ lệ sống chết.

Lượng phân bón có thể điều chỉnh 2 lần: Lần thứ nhất khi cây được 45 ngày sau khi ươm, giai đoạn này nên bón phân hữu cơ vi sinh, tốt nhất là Dinamix, 0,4kg/1m2; lần thứ 2 khi cây được 70 ngày nên bón NPK 20 – 20 – 15, bón 0,3kg/m2

Cách bón phân: Hoàn tan hai loại phân nêu trên vào thùng tưới rồi tiến hành tưới đều lên mặt luống ươm, sau đó tưới lại bằng nước sạch

4.4 Phòng trừ sâu bệnh và cỏ dại:

  • Trong vườn ươm thường xuất hiện nhiều loại sâu bệnh và nấm, do vậy nên dùng Diazan, Krater… để tiêu diệt sâu, cũng có thể dùng thuốc mối, thuốc kiến để rải lên mặt luống
  • Có thể phun thuốc trừ nấm và trừ sâu, tốt nhất là phun phòng trừ vào giữa hai lần bón phân.
  • Ngoài ra có thể phòng trị nấm bằng Anvinl, Carbenzin, chitosan…. Để đảm bảo cho khu vực ươm được an toàn về sâu và bệnh

4.5 Dặm hom:

Một số hom giống sẽ bị chết trong thời gian nuôi dưỡng do bệnh hoặc các tác nhân khác, chúng ta có thể nhổ bỏ và trồng lại bằng hom mới vào, bảo đảm bầu hom luôn ổn định.

4.5 Luyện cây và phân loại cây trước khi xuất vườn ươm

  • Khi có kế hoạch xuất vườn chúng ta cần tiến hành luyện cho cây thích nghi với điều kiện môi trường mới
  • Do trong vườn ươm cần điều chỉnh cho cây trồng đảm bảo cứng cáp, lá và thân khỏe mạnh để bảo đảm cho cây tồn tại tốt trước các điều kiện khắc nghiệt bên ngoài
  • Ánh sáng, độ ẩm, phân bón phải thay đổi, đặc biệt là trước khi xuất vườn từ từ 1 đến 2 tuần phải di chuyển bầu cây ra khỏi luống, công tác này đảm bảo cho các rễ phụ bị cắt đứt, tạo cho chúng liền lại vết thương trước khi mang đi ra trồng, đồng thời với công tác này chúng ta dễ dàng phân loại chúng để chắc chắn các cây mang đi trồng đạt chiều cao, và sức khỏe ổn định. Các cây ắc ó bị yếu, chậm phát triển được nuôi dưỡng lại để xuất vườn sau.

5. Tiêu chuẩn xuất vườn cây ắc ó trưởng thành:

  • Cây non quá, rễ chưa ổn định, dễ bị vở bầu khi mang đi trồng
  • Cây già quá khi đã cây mang đi trồng sẽ bị chột rễ, do rễ cắm sâu xuống luống Hai nội dung trên khi mang cây đi trồng vào điểm mới rất dễ chết cây.
  • Cây xuất vườn đủ điều kiện là: Chiều cao cây ắc ó từ 25 đến 30cm. Đường kính gốc từ 5 đén 6mm. Cây không sâu bệnh. Bầu đất nguyên vẹn, không bị tác động bởi yếu tố cơ học. Bộ rễ an toàn, không được quá ngắn hoặc đâm ra khỏi bầu quá nhiều mà chưa liền sẹo, cây có màu xanh đặc trưng.

Trên đây là quy trình sản xuất cây ắc ó bằng biện pháp giâm cành hay nói cách khác là tạo cây con bằng phương pháp vô tính, với phương pháp này chúng tôi đã thủ nghiệm thành công, đồng thời là mô hình để nhân giống tương tự cho các loại cây khác. Chúc quý vị thành công